Khu giảng đường B, ĐHHH, Số 338 Lạch Tray , Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng 02253.829.589 vicmac@vicmac.vn
Tin tức sự kiện

Vận tải biển đi châu Âu biến động thế nào sau sự cố kênh đào Suez?

Ngày 12-04-2021 Lượt xem 466

Nhiều doanh nghiệp lo ngại, giá cước vận tải container chặng Việt Nam - châu Âu sẽ tiếp tục biến động sau sự cố tàu mắc cạn tại kênh đào Suez.

 

Liên quan đến giá cước vận chuyển hàng hóa đi châu Âu sau sự cố tàu Ever Given mắc kẹt tại kênh đào Suez, ông Phạm Trung Tuyến, nhân viên kinh doanh Công ty CP nông sản NatyFood cho biết, thời điểm hiện tại, giá cước hàng container chặng Việt Nam - châu Âu vẫn chưa có biến động lớn, thậm chí còn thấp hơn thời điểm cuối năm 2020, đầu năm 2021.

Cụ thể, nếu cách đây khoảng 4 tháng, cước vận chuyển container đi châu Âu lên đến 8.000 - 10.000/container 40 feet, hiện mức giá này giảm còn 7.000 - 8.000/container.

Trên chặng Việt Nam đi Anh, giá cước cũng giảm đáng kể. Đại diện Công ty TNHH thủy sản Ngân Huỳnh (Bạc Liêu) cho biết, nếu thời gian đỉnh điểm, giá cước vận chuyển container lên tới 11.000 - 12.000 USD/container 40 feet thì hiện, mức giá này giảm chỉ còn khoảng 6.600 USD/container 40 feet. Mức giá này tuy còn cao nhưng nằm trong khả năng chi trả tài chính của doanh nghiệp để duy trì hoạt động xuất khẩu.

Theo đại diện Công ty CP NatyFood, thời điểm hiện tại, trường hợp hãng tàu tiếp tục điều chỉnh tăng giá vận chuyển container sẽ khó xảy ra do thời gian qua đã tăng khá cao.

"Mặc dù vậy, dựa vào sự cố trên kênh đào Suez, các hãng vận tải sẽ có thể lấy lý do để kéo dài thời gian áp dụng mức giá cao như hiện tại. Đồng nghĩa, kỳ vọng giá cước trở về mức 4.000 - 5.000 USD/container 40 feet của doanh nghiệp XNK Việt Nam sẽ chưa thể xảy ra”, vị này nói.

Cùng với container khô (container vận chuyển hàng khô), giá cước vận chuyển hàng container lạnh cũng giảm đáng kể.

Đại diện Công ty Chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Hải cho biết, hiện, giá cước cho một container lạnh đi châu Âu đang ở mức 4.900 USD/container 40 feet. Trong khi đó, thời điểm đầu năm, mức giá này chạm ngưỡng 8.000 - 9.000 khiến doanh nghiệp vô cùng chật vật trong việc xuất khẩu hàng hóa, đảm bảo thời gian hợp đồng đã ký kết.

Nhận định về thị trường vận tải thời gian tới, theo đại diện Tổng công ty Hàng hảiVN, sau sự cố xảy ra trên kênh đào Suez, tình trạng thiếu container dự báo sẽ còn diễn ra trong ít nhất 3 tháng tới do sau khi kênh đào Suez được khơi thông. Các tàu lớn sẽ dồn dập tới cảng dẫn đến sự quá tải, thời gian tàu vào làm hàng bị kéo dài hơn, tốc độ rút hàng, quay đầu container vì thế chậm hơn.

“Trong bối cảnh khan hiếm nguồn container rỗng, hãng nước ngoài sẽ ưu tiên những khách hàng quan trọng, có khối lượng hàng vận chuyển số lượng lớn như Trung Quốc. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam lại phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức”, đại diện này chia sẻ.

Ngày 23/3, siêu tàu container Ever Given, dài 400m, rộng 59m bị mắc cạn, chắn ngang kênh đào Suez khiến tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới tắc nghẽn, khoảng 400 tàu container phải xếp hàng chờ lưu thông.

Đến ngày 29/3, tàu container khổng lồ mới được giải cứu và giao thông trên kênh đào Suez hoạt động trở lại.

Theo phân tích, sau khi tàu Ever Given được giải phóng, số lượng tàu lưu thông qua kênh đào Suez lên tới 75 tàu (thông thường chỉ từ 40 - 50 tàu/ ngày). Các cảng biển lớn tại châu Âu dự báo sẽ xảy ra tắc nghẽn khi các tàu tới dồn dập, chuỗi cung ứng hàng hóa vì thế cũng bị ảnh hưởng.

Nam Khánh - Báo Giao Thông

Gọi ngay: 02253.829.589
SMS: 02253.829.589 Chat Zalo